Sau khi nặn mụn nên làm gì để da nhanh hồi phục?

August 3, 2022

Để có một làn da khỏe đẹp sau khi nặn mụn không phải việc đơn giản nhưng cũng không quá khó khăn nếu bạn biết cách. Nhiều người vì không tìm hiểu kỹ mà đã áp dụng các phương pháp thiếu khoa học khiến làn da ngày càng “xuống cấp” trầm trọng. Vậy sau khi nặn mụn nên làm gì để an toàn hơn cho da?

Trước khi đi vào lời giải đáp chi tiết cho câu hỏi trên, ta cần biết những điều làn da có thể gặp phải sau khi nặn mụn. Bởi vì chỉ có như thế ta mới cân nhắc việc nặn mụn và tìm được giải pháp sau khi nặn mụn.

Nguy cơ tiềm ẩn sau khi nặn mụn

Nhiễm trùng da, hình thành sẹo

Khi cố  sức nặn mụn sẽ khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Điều này dẫn đến nguy cơ lớn khiến da bị sẹo mụn vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu vết mụn có chứa mủ mà bị nhiễm trùng, nặn mụn còn có thể khiến vi khuẩn lây lan sang các lỗ chân lông và nang lông ở vùng da xung quanh. Từ đó, những ổ mụn mới sẽ hình thành khiến việc điều trị sau này kéo dài, khó dứt điểm.

Sót nhân mụn

Không phải lúc nào tự nặn mụn tại nhà bạn cũng có thể lấy được hết nhân mụn. Rủi ro đi kèm là một khi không nặn sạch cồi mụn, bạn có thể đẩy các thành phần trong mụn lún xuống sâu hơn bên dưới bề mặt da. Điều này gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu sự việc này lặp lại nhiều lần, da dần dần sau đó sẽ hình thành mụn nhiều hơn, nặng hơn là gây viêm dưới da.

Thói quen nặn mụn sẽ khiến da bị mụn nhiều hơn

Thói quen nặn mụn có thể khiến da bị mụn nhiều hơn - Ảnh: Shutterstock

Da chậm phục hồi sau mụn

Nếu vội vàng nặn mụn khi mụn chưa “già” sẽ khiến da hồi phục chậm hơn sau khi loại bỏ được nhân mụn. Lý do là các liên kết giữa các tế bào da trong quá trình nặng sẽ biến mất khi bị tác động quá mạnh, da từ đó cũng dễ bị sưng tấy và lâu lành hơn.

Để lại vết thâm

Phần lớn da sau khi nặn mụn đều sẽ để lại vết thâm. Điều này là vì vùng da nặn mụn không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Từ đó, sắc tố ở vùng da này tăng lên, hình thành vết thâm và tối màu hơn các vùng da khác.

Sau khi nặn mụn nên làm gì để dưỡng da?

Mặc dù biết việc nặn mụn có thể để lại những hậu quả xấu nhưng vẫn rất nhiều người “có sở thích nặn mụn” hoặc muốn tự nặn mụn tại nhà bởi việc nhanh chóng lấy được nhân mụn. Và vì thế, nếu chị em chưa rõ sau khi nặn mụn nên làm gì thì hãy tham khảo ngay những gợi ý dưới đây để sớm chăm sóc da đúng cách nhé.

Vệ sinh dịu nhẹ

Điều đầu tiên sau khi nặn mụn là gì? Đó là vệ sinh lại vùng da mụn thật sạch nhưng với thao tác dịu nhẹ. Lúc này các vết mụn được xem như vết thương hở trên da nên bạn không nên dùng các sản phẩm có tính tẩy rửa cao hay thực hiện thao tác mạnh (như tẩy tế bào chết) vì da sau khi nặn mụn rất nhạy cảm. Nếu bạn không “nâng niu” làn da lúc này thì chẳng khác gì đang tự làm tổn thương mình.

Giảm đau

Sau khi nặn mụn nên làm gì để giảm đau? Đơn giản nhất là chườm lạnh lên vùng da mụn. Bạn có thể dùng đá lạnh, như thế không chỉ giúp giảm sưng tấy vết mụn mà còn giúp nhanh chóng se nhỏ lại lỗ chân lông, hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây viêm da. Lưu ý, bạn cần bọc đá lạnh bằng vải hoặc khăn sạch, không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da để tránh tình trạng bỏng lạnh cho da.

Dùng đá lạnh giúp làm giảm đau vết nặn mụn

Có thể giảm đau vết nặn mụn bằng đá lạnh nhưng không nên thoa trực tiếp lên da - Ảnh: Shutterstock

Kết hợp dùng kèm kháng sinh

Sau khi nặn mụn, bạn có thể dùng tăm bông thoa kem kháng sinh lên khu vực vừa nặn để kháng khuẩn, kháng viêm. Từ đó, hạn chế hình thành mụn thâm hay sẹo khi da lành lại. Lưu ý là nên dùng sản phẩm có tính sát khuẩn vừa phải và không thoa quá nhiều lần trong ngày để không quá mức chịu đựng của da.

Các bước dưỡng da sau khi nặn mụn

Sau khi nặn mụn, muốn dưỡng da thì nên làm gì? Nếu không biết hoặc bỏ qua các bước skincare thì bạn không thể sở hữu một làn da đẹp chỉ nhờ vào nặn mụn không thôi đâu. Thiếu các bước dưỡng khiến làn da khó hồi phục, thậm chí còn làm mụn mọc lại nhiều và lây lan rộng hơn.

Giữ vệ sinh da

Bạn không chỉ cần giữ da sạch sẽ sau khi nặn mụn mà cần đưa bước dưỡng này vào chu trình chăm sóc da hằng ngày. Nếu da không đủ sạch thì có nặn mụn đến đâu cũng không thể ngăn cản mụn quay trở lại. Nên rửa mặt ít nhất 2 lần trong ngày với các sản phẩm độ pH khoảng 5.0 - 5.5 - đây là nồng độ dịu nhẹ và không gây kích ứng cho da.

Bạn cũng không nên lạm dụng việc dùng sữa rửa mặt nhiều hơn 3 lần trong ngày (trừ khi bạn hoạt động đổ nhiều mồ hôi) hoặc tẩy tế bào chết quá 2-3 lần mỗi tuần.

Giữ vệ sinh da khi nặn mụn

Giữ vệ sinh da là bước cơ bản đầu tiên cần làm sau khi nặn mụn - Ảnh: Shutterstock

Dưỡng ẩm cho da

Da đủ ẩm là điều kiện để tăng tốc độ phục hồi tế bào da. Đồng thời, khi dưỡng ẩm cũng là lúc bạn đang nuôi dưỡng tế bào da từ sâu bên trong và hình thành lớp màng bảo vệ da bên ngoài. Nếu thiếu ẩm thì cơ chế tự nhiên của da sẽ khiến da tiết ra nhiều chất nhờn hơn. Lượng bã nhờn dư thừa này dễ gây tắc lỗ chân lông sinh ra mụn cũng như khiến da mất đi nét tươi tắn, khỏe mạnh cần có.

Các sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu nhẹ như gel, lotion dạng lỏng là lựa chọn phù hợp cho da sau mụn vì khả năng thẩm thấu nhanh vào da. Lưu ý, tránh sử dụng sản phẩm có chứa cồn bởi chúng dễ khiến da khô, viêm nhiễm và làm nổi các mẩn đỏ li ti kích ứng.

Bảo vệ da khỏi tác hại môi trường

Sau khi nặn mụn, da cần được che chắn, bảo vệ kỹ lưỡng hơn khi ra ngoài. Bạn không nên để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, khói bụi,... để hạn chế nguy cơ sạm nám, nổi mụn lại hay viêm nhiễm. Do đó, kem chống nắng, kính mát, mũ nón hay khẩu trang chính là vật bất ly thân của làn da sau khi nặn mụn.

Chống nắng sau khi nặn mụn

Chống nắng là điều cần thiết sau khi nặn mụn - Ảnh: Shutterstock

Dưỡng da từ bên trong

Ngoài các bước chăm sóc từ bên ngoài, da cũng cần được nuôi dưỡng từ bên trong để khỏe mạnh, có sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây mụn. Muốn như thế, bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý theo những gợi ý dưới đây. Hãy thử áp dụng nhé; sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy da mình có những thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tốt. Không chỉ da mà cả cơ thế bạn cũng có những chuyển biến tích cực.

  • Bổ sung các loại rau có màu xanh đậm như như cải thìa, cải ngọt, mồng tơi, bông cải xanh, rau ngót, súp lơ xanh, rau đay… chúng có chứa nhiều vitamin A, B, C, E, sắt… và các chất chống oxy hoá. Ăn nhiều rau xanh không chỉ giúp đẹp da và còn cho bạn vóc dáng cân đối nữa đấy
  • Tăng cường các loại trái cây tươi mọng nước như cà chua, kiwi, dâu tây, đu đủ,... để bổ sung vitamin A, E, C cho làn da
  • Ăn thêm một số loại đậu nành, đậu đen, đậu phộng, hạt chia, hạt bí ngô… chứa nhiều vitamin A giúp làn da sáng mịn
  • Bổ sung các loại cá dồi dào axit béo Omega-3 như cá ngừ, basa, cá hồi, cá ngừ, cá thu…  để làm chậm quá trình lão hoá da
  • Không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích vừa gây hại cho cơ thể vừa làm da nhanh già trước tuổi
  • Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
  • Cắt giảm các thực phẩm giàu đạm (các loại thịt đỏ) bởi dễ khiến da đổ dầu, gây tắc nghẽn lỗ chân lông

Trên đây là những lời khuyên cơ bản rất dễ thực hiện nếu bạn không biết sau khi nặn mụn nên làm gì. Tuy nhiên tốt nhất bạn không nên có thói quen nặn mụn, nếu cần hãy nên đến các cơ sở da liễu chuyên ngành để có cách loại bỏ mụn khoa học và an toàn hơn.


Nguồn tham khảo:

https://thefaceshop.com.vn/blogs/cach-cham-soc-da/sau-khi-nan-mun-nen-lam-gi-de-da-khong-bi-tham-seo

https://hellobacsi.com/da-lieu/cham-soc-da/cach-cham-soc-da-sau-khi-nan-mun/

https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/should-you-pop-a-pimple#should-you-pop

https://www.medicinenet.com/what_to_do_after_popping_a_pimple/article.htm

 

 


Các sản phẩm được nhắc đến trong bài viết

Sản phẩm trong bài viết

Các tin tức khác