Sở hữu đôi môi quyến rũ với 7 cách tẩy tế bào chết môi tại nhà

August 3, 2022

 

Tẩy tế bào chết môi là bước làm đẹp được nhiều chị em quan tâm, đặc biệt là vào mùa hanh khô. Đây được xem là thao tác làm sạch và dưỡng môi cơ bản nếu bạn muốn sở hữu một đôi môi căng mọng và tươi tắn. 

Vì sao bạn cần tẩy tế bào chết môi?

Thật sự thì chẳng ai thích môi mình bị khô ráp, nứt nẻ hay bong tróc. Điều này không chỉ khiến vẻ ngoài kém xinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng và cả một phần sức khỏe về mặt da liễu mỗi người.

Lười tẩy tế bào chết môi là một trong những thói quen xấu dẫn đến tình trạng như trên. Những lý do dưới đây sẽ khiến bạn muốn tẩy tế bào chết môi ngay hôm nay.

Giúp làm sạch và loại bỏ lớp da thừa

Tẩy tế bào chết cho môi giúp loại bỏ lớp da chết đã bám trên môi lâu ngày. Đồng thời, quá trình này giúp giảm nếp nhăn ở môi dưới, từ đó giúp đôi môi trông đầy đặn và căng mọng hơn.

Cải thiện màu môi tự nhiên

Đối với những bạn thường xuyên trang điểm môi, đặc biệt là hay dùng các màu son đậm thì các thành phần hóa học trong son rất dễ ảnh hưởng đến màu sắc tự nhiên của môi. Tẩy tế bào chết môi định kỳ có công dụng loại bỏ cặn son lâu ngày ẩn trong rãnh môi để trả lại cho môi màu hồng tự nhiên, tươi tắn và khỏe mạnh.

Giúp môi hấp thụ là lưu giữ dưỡng chất tốt hơn 

Cho dù bạn có đầu tư thật nhiều vào các sản phẩm dưỡng môi nhưng nếu “quên” tẩy da chết thì đừng bất ngờ khi biết môi không thể hấp thu dưỡng chất đầy đủ từ những sản phẩm dưỡng này.

Tương tự như làn da, khi bề mặt môi trở nên thông thoáng, dưỡng chất thẩm thấu tốt hơn. Tế bào môi nhờ vậy mà được nuôi dưỡng và tươi tắn hơn mỗi ngày. Ngoài ra, đôi môi khỏe cũng giúp son lên màu chuẩn và lâu trôi hơn.

Giữ ẩm cho môi

Khi các tế bào chết được “dọn dẹp” thường xuyên và đúng cách sẽ giúp tăng khả năng giữ ẩm cho môi tốt hơn, lâu hơn. Bạn sẽ không cần lo lắng tình trạng khô nứt, bong tróc, thậm chí là chảy máu mỗi khi mùa khô lạnh về. Và một khi môi có đủ độ ẩm, việc trang điểm môi cũng hiệu quả hơn nhiều dù là dòng son nào từ son lì hay glossy cũng đều mang đến hiệu ứng như bạn mong đợi.

7 cách tẩy tế bào chết môi hiệu quả tại nhà

Nếu bạn không có nhiều thời gian để theo đuổi những liệu trình chăm sóc môi phức tạp thì hoàn toàn vẫn có thể tẩy tế bào chết môi ngay tại nhà bằng những nguyên liệu dễ tìm kiếm, tiết kiệm và vô cùng thân thiện với môi trường.

Tẩy tế bào chết môi bằng đường và dầu oliu

Tẩy tế bào chết môi bằng đường và dầu oliu

Dầu oliu và đường là nguyên liệu giúp bạn tẩy tế bào chết môi dễ dàng tại nhà - Ảnh: Shutterstock

Hỗn hợp dầu oliu và đường được biết đến với khả năng tẩy sạch lớp da chết, kích thích tái tạo tế bào mới, đồng thời giúp môi mềm mịn và đều màu hơn. Đó là nhờ trong dầu ôliu có lượng lớn vitamin E và các axit béo có lợi - giúp nuôi dưỡng môi từ sâu bên trong, giúp đôi môi ngày càng căng mọng và tươi tắn.

Nguyên liệu

  • Dầu oliu
  • Đường
  • Khăn sạch

Thực hiện

  • Bước 1: Vệ sinh môi sạch bằng nước và lau khô
  • Bước 2: Trộn dầu oliu với đường theo tỷ lệ 1 : 1 để được hỗn hợp sền sệt
  • Bước 3: Dùng khăn sạch, mềm chấm vào hỗn hợp và massage lên môi trong khoảng 5 - 7 phút theo chuyển động tròn
  • Bước 4: Rửa sạch hỗn hợp trên môi bằng nước ấm, vỗ nhẹ môi cho khô; sau đó thoa son dưỡng ẩm lên để giữ ẩm cho môi

Sử dụng mật ong, đường nâu và chanh

Đây là 3 nguyên liệu được rất nhiều tín đồ làm đẹp yêu thích. Bởi sự kết hợp này không chỉ giúp kháng khuẩn, kháng viêm tốt mà còn mang lại đôi môi căng bóng và khoẻ mạnh. Bạn thậm chí có thể yêu thích hương vị của loại tẩy tế bào chết môi handmade này đấy.

Nguyên liệu:

  • Mật ong
  • Đường nâu
  • Chanh
  • Khăn sạch hoặc tăm bông

Thực hiện:

  • Bước 1: Vệ sinh môi sạch bằng nước và lau khô
  • Bước 2: Trộn hỗn hợp mật ong, đường nâu, chanh theo tỷ lệ 1:1:1 để có hỗn hợp sệt
  • Bước 3: Dùng khăn sạch hoặc tăm bông thoa hỗn hợp lên môi theo chuyển động tròn trong khoảng 3 - 5 phút
  • Bước 4: Rửa sạch hỗn hợp bằng nước ấm. Hãy luôn thoa kem dưỡng môi sau khi tẩy tế bào chết để đôi môi mềm mịn và căng mọng.

Tẩy tế bào chết môi bằng bột baking soda và mật ong

Tẩy tế bào chết môi bằng baking soda

Kết hợp tẩy tế bào chết cho môi từ baking soda và chanh là lựa chọn tuyệt vời - Ảnh: Shutterstock

Baking soda (bột nở) được tin chọn là nguyên liệu vô cùng hiệu quả trong việc sát khuẩn và loại bỏ tế bào chết. Trong khi đó, mật ong lại giúp dưỡng ẩm và làm đều màu môi. Sử dụng đều đặn hỗn hợp này giúp môi giảm tình trạng nứt nẻ và bong tróc.

Nguyên liệu:

  • Bột baking soda
  • Mật ong
  • Bàn chải lông mềm

Thực hiện

  • Bước 1: Vệ sinh môi sạch bằng nước và lau khô
  • Bước 2: Trộn hỗn hợp bột baking soda với mật ong (theo tỷ lệ 1 thìa baking soda : 2 thìa mật ong)
  • Bước 3: Thoa hỗn hợp lên môi và để từ 3 - 5 phút; sau đó dùng bàn chải lông mềm mát xa trên môi theo chuyển động tròn
  • Bước 4: Rửa sạch môi với nước ấm và thoa son dưỡng môi để giúp môi mềm mại hơn

Làm mềm môi bằng bột yến mạch và sữa tươi

Bột yến mạch rất hữu hiệu trong việc loại bỏ hoá chất và tế bào chết trên da. Khi kết hợp cùng sữa tươi, hỗn hợp này giúp các lớp da chết tự động bong ra và trả lại bạn đôi môi rạng rỡ. Cùng với đó là khả năng nuôi dưỡng các tế bào da trên môi từ sâu bên trong. Nếu bạn nào có môi bị thâm, thiếu sức sống thì càng nên để tâm đến cách tẩy da chết môi này.

Nguyên liệu:

  • Bột yến mạch
  • Sữa tươi không đường
  • Tăm bông

Thực hiện

  • Bước 1: Vệ sinh môi thật sạch bằng nước
  • Bước 2: Trộn 1 thìa bột yến mạch với 3 thìa sữa tươi để có hỗn hợp sền sệt
  • Bước 3: Dùng tăm bông thoa hỗn hợp vừa thu được lên môi và massage từ 3 - 5 phút theo chuyển động tròn
  • Bước 4: Rửa sạch hỗn hợp bằng nước ấm và thoa kem dưỡng lên môi

Tẩy tế bào chết môi bằng cánh hoa hồng và sữa tươi

Tẩy tế bào chết môi bằng hoa hồng

Hoa hồng và sữa tươi mang đến cho bạn đôi môi mềm mịn và tươi tắn - Ảnh: Shutterstock

Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng tẩy tế bào chết môi bằng hoa hồng đã được nhiều chị em áp dụng và có hiệu quả. Các tinh chất trong cánh hoa hồng và sữa tươi giúp đôi môi của bạn thêm mềm mịn và tươi tắn thấy rõ. Tuy nhiên, cách làm đặc biệt này có phần tốn thời gian nhưng hiệu quả của nó vẫn rất đáng để bạn thử làm ít nhất một lần.

Nguyên liệu

  • Cánh hoa hồng (nên chọn hoa tươi)
  • Sữa tươi không đường

Thực hiện

  • Bước 1: Rửa sạch và ngâm một vài cánh hoa hồng (khoảng 1 bông hoa) trong sữa tươi trong 3 giờ. Khi cánh hoa đã được ngấm mềm sữa hoàn toàn, hãy nghiền chúng để tạo thành hỗn hợp sền sệt.
  • Bước 2: Thoa đều 1 lớp hỗn hợp thu được lên môi và kết hợp massage nhẹ từ 3 - 5 phút để dưỡng chất thẩm thấu
  • Bước 3: Rửa sạch hỗn hợp đó bằng nước ấm và thoa chút son dưỡng môi để giữ ẩm cho môi lâu hơn

Loại bỏ da chết môi bằng nước cốt chanh và dầu thầu dầu

Đây lại là một cách làm đẹp môi khá mới với nhiều người. Dầu thầu dầu và nước cốt chanh đều có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm vô cùng tốt. Sử dụng hỗn hợp này trên môi giúp lớp da chết được dọn dẹp sạch sẽ nhưng không bị mất đi độ ẩm tự nhiên.

Nguyên liệu:

  • Dầu thầu dầu
  • Nước cốt chanh
  • Khăn mềm

Thực hiện

  • Bước 1: Vệ sinh môi sạch bằng nước
  • Bước 2: Trộn 2 nguyên liệu trên và thoa hỗn hợp thu được lên môi trong khoảng 1 giờ
  • Bước 3: Massage nhẹ hỗn hợp này trên môi bằng khăn mềm theo chuyển động tròn
  • Bước 4: Rửa sạch môi bằng nước ấm và thoa kem dưỡng môi để giúp môi mềm mại hơn

Tẩy tế bào chết môi bằng dâu tây và đường nâu

Tẩy tế bào chết môi bằng dâu tây

Hỗn hợp ngọt ngào từ dâu tây và đường nâu sẽ sớm mang đến cho bạn đôi môi căng mọng - Ảnh: Shutterstock

Dâu tây chứa nhiều vitamin C cùng các khoáng chất có lợi. Chúng không chỉ tốt cho làn da mà còn có khả năng giảm thâm môi, trả lại đôi môi hồng hào và quyến rũ. Kết hợp với đường nâu mang lại hiệu quả làm sạch cao hơn.

Nguyên liệu:

  • Dâu tây
  • Đường nâu
  • Tăm bông

Thực hiện

  • Bước 1: Vệ sinh môi bằng nước sạch
  • Bước 2: Nghiền mịn dâu, trộn với 2 muỗng đường nâu.
  • Bước 3: Dùng tăm bông thoa hỗn hợp lên môi, kết hợp mát xa nhẹ nhàng trong 2 -3 phút. Lưu ý, mát xa theo chuyển động tròn để tránh làm xước môi.
  • Bước 4: Rửa sạch hỗn hợp bằng nước ấm và thoa kem dưỡng môi.

6 lưu ý khi tẩy tế bào chết môi

Các gợi ý trên đều rất đơn giản và dễ dàng thực hiện nhờ vào các nguyên liệu đều từ thiên nhiên, thân thiện và dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, đôi môi cũng rất nhạy cảm nên bạn vẫn cần lưu ý một vài điểm dưới đây khi tiến hành tẩy tế bào chết môi:

  • Khi thao tác cần nhẹ nhàng, tránh massage mạnh dẫn đến làm trầy xước môi. Đặc biệt, nếu dùng bàn chải, nên chọn loại có lông càng mềm càng tốt.
  • Tần suất tẩy tế bào chết môi nên giới hạn 2 - 3 lần mỗi tuần. Việc lạm dụng quá nhiều lần trong tuần không chỉ không làm tăng hiệu quả làm sạch/ dưỡng môi mà còn dễ khiến môi bị tổn thương hơn.
  • Đừng nhầm lẫn đôi môi khô với đôi môi có tế bào chết. Việc tẩy da chết trên môi khô sẽ khiến môi bạn ngày càng khô và nứt nẻ hơn. Nếu là trường hợp khô môi, đầu tiên bạn cần dưỡng ẩm và cấp nước đầy đủ cho môi trước khi nghĩ đến việc tẩy tế bào.
  • Nên ưu tiên tẩy da chết cho môi vào ban đêm để hạn chế tối đa các tác động xấu từ môi trường như nắng, khói bụi,... Lúc này lớp da môi còn khá nhạy cảm.
  • Luôn dùng son dưỡng sau khi loại bỏ lớp da chết. Điều này giúp môi nhanh chóng hồi phục và tươi tắn hơn.
  • Bỏ thói quen liếm môi mà thay vào đó là sử dụng son dưỡng. Cách này giúp môi không bị khô mà lúc nào cũng căng mọng.

Trên đây là 7 cách tẩy tế bào chết môi đơn giản ngay tại nhà. Hy vọng những mẹo hay này giúp bạn làm đẹp hiệu quả mà lại không cần phải tốn quá nhiều thời gian để có được đôi môi tươi tắn, căng mọng và khỏe mạnh.

Xem thêm

7 công thức làm son dưỡng môi vừa thơm vừa hiệu quả

Môi khô nứt nẻ nên dùng son nào?

Cách chọn màu son "chuẩn Hàn" phù hợp với bạn
 

 


Nguồn tham khảo:

HOW TO EXFOLIATE LIPS AND DIY LIP SCRUB - https://www.nivea.com.au/advice/skin/how-to-exfoliate-lips      

How to Exfoliate Lips - https://www.wikihow.com/Exfoliate-Lips                              

5 Phút Tẩy Da Chết Môi Tại Nhà Với Các Tips Cực Kì Đơn Giản - https://elipsport.vn/tin-tuc/5-phut-tay-da-chet-moi-tai-nha-voi-cac-tips-cuc-ki-don-gian_5139.html                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

 

 

 


Các sản phẩm được nhắc đến trong bài viết

Sản phẩm trong bài viết

Các tin tức khác